Tiểu sử Ngụy Trung Hiền

Ngụy Trung Hiền là người Túc Ninh tỉnh Hà Bắc, lúc đầu tên là Ngụy Tiến Trung. Lúc trẻ ông đã máu mê cờ bạc, ăn chơi trác táng, có vợ[cần dẫn nguồn] và một con trai[cần dẫn nguồn]. Vì thua hết tiền, nợ nần chồng chất, ông bèn trốn vào tiệm rượu, bị bọn đòi nợ chửi mắng, đánh đập, thấy hổ thẹn, phẫn uất cùng cực mà quyết định tự thiến rồi thay tên đổi họ là Lý Tiến Trung, trốn đến Bắc Kinh và được tuyển vào cung năm 1589, đổi lại tên cũ là Ngụy Tiến Trung.

Tiến Trung nương dựa vào làm thủ hạ của vú nuôi vua Hy Tông là Khách thị (客氏), lời nói nịnh nọt nên rất được Khách thị thương yêu. Sau khi Hy Tông lên ngôi năm 15 tuổi, phong Khách thị làm Phụng thánh phu nhân, Ngụy Trung Hiền được thơm lây, được cho làm chức Bỉnh bút Thái giám đứng đầu 24 nha hoạn quan, được ở gần hầu cận Hoàng đế, phê đáp tấu chương, truyền đạt thánh chỉ. Ngụy Trung Hiền tuy là kẻ mù chữ nhưng đã được Khách thị nâng đỡ, nên mới được chức vụ quan trọng này, nay được vua Hy Tông ban cho hai chữ Trung Hiền thì quyền hành ngang ngửa với Tể tướng, mặc dù nhà Minh đã bãi bỏ chức vụ này từ lâu.

Năm Thiên Khải thứ 3 (1623) Ngụy Trung Hiền kiêm luôn việc trông coi Đông xưởng là cơ quan đặc vụ của triều đình, thế lực ngày càng mạnh. Nội các của triều đình đều là tay chân của Ngụy Trung Hiền, bọn họ tranh nhau gọi ông là cha, là ông nội, tự xưng mình là con nuôi, cháu nuôi. Nhân vật trọng yếu của đảng hoạn quan Ngụy Trung Hiền là Ngũ hổ (5 con hổ), Ngũ bưu (5 con hổ con), Thập cẩu (10 con chó), Thập hài nhi (10 đứa bé), Tứ thập tôn (40 đứa cháu)... Năm Thiên Khải thứ 5 (1625) nổi lên vụ án oan lớn bắt giết người của đảng Đông Lâm là Dương Liên, làm cho dân chúng nổi dậy ở khắp nơi Giang Âm, Tô Châu...

Năm Thiên Khải thứ 6 (1626), một tuần phủ Triết Giang đã là người đầu tiên đề xướng lập sinh từ cho Ngụy Trung Hiền, tiếp theo các nơi đều bắt chước nên sinh từ có khắp cả nước. Bên trong từ đường thờ tượng của Ngụy Trung Hiền, ai đi qua cũng phải lạy 5 lạy, hô to cửu bách tuế. Ngụy Trung Hiền tự xưng là Cửu bách tuế. Nội các thảo ra các chỉ dụ, đồng xưng là Trẫm và Xưởng thần. Lại có người đề nghị xếp Ngụy Trung Hiền là bậc thánh nhân tôn lên ngang hàng với Khổng Tử, cho rằng ông cống hiến còn cao hơn cả Mạnh Tử. Khắp Trung Quốc dấy lên phong trào trung thành với một gia nô của Hoàng đế, từ đó có thể thấy tình hình chính trị cuối đời Minh thối nát như thế nào.

Tháng 8 năm 1627 Chu Do Kiểm lên ngôi tức Minh Tư Tông, biếm Khách thi xuống, phế truất Ngụy Trung Hiền, đày đến giữ mộ ở đất Phụng Dương, được nửa đường thì có lệnh truy bắt lại. Ngụy Trung Hiền sợ tội, thắt cổ chết. Bọn Yêm đảng đều bị trừng trị nhưng vẫn còn những mầm mống sót lại, sau này xàm tấu hại chết Viên Sùng Hoán, giúp quân Thanh đánh chiếm được Trung Quốc.